Cuộc đời Việt Phương

Nhà thơ Việt Phương tên thật là Trần Quang Huy, sinh ngày 6 tháng 12 năm 1928, quê ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.[5]

"ông là người cộng sự thân cận của Tổng bí thư Lê Duẩn trong một thời gian dài và trong công việc ấy, ông thường xuyên nêu lên những vấn đề, những nhận xét rất sắc sảo về tình hình, những yêu cầu về sự đổi mới và có những ý kiến rất thiết thực về việc cải cách ở Việt Nam"_ Lê Đăng Doanh.[6]

Trần Quang Huy tham gia Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu vào năm 1944. Ông từng đậu tú tài thời Pháp thuộc.[7] Từ tháng 9 năm 1945 đến năm 1947, ông Huy là bộ đội Nam tiến tham gia kháng chiến chống Pháp. Kể từ năm 1947 đến năm 2000 là thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong suốt 53 năm với vai trò thư ký của ông Phạm Văn Đồng, từ năm ông 19 tuổi, ông đã theo Phạm Văn Đồng từ vị trí Phó thủ tướng đến Thủ tướng và rồi sau này là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng. Ông là Thư ký Thủ tướng Chính phủ có thâm niên nhất ở Việt Nam hiện nay.[4]Trong quá trình làm thư ký cho Thủ tướng Đồng, Việt Phương cũng tham gia vào nhóm các cán bộ giúp việc cho Tổng bí thư Lê Duẩn. Ông đồng thời là thành viên chủ lực của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.[5]

...Khi chuẩn bị tư liệu cho cuốn Bên Thắng Cuộc, ông Trần Việt Phương đã giúp tôi thu xếp các cuộc phỏng vấn quan trọng nhất nhằm thu thập thông tin về các nhân vật như Tướng Giáp, Trần Xuân Bách, Lê Trọng Nghĩa... Biết ông là người gần như "ăn cùng mâm" với cả Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng từ 1949 cho đến khi họ lần lượt ra đi, tôi nhiều lần gặng hỏi về con người thật của họ và ông thường chỉ trả lời, "Tấm Huân chương nào cũng có hai mặt; công chúng nhìn thấy mặt trước, chúng tôi chứng kiến mặt sau. Thôi cứ để công chúng giữ hình ảnh như họ thấy"_ nhà báo Trương Huy San.[6]

Năm 1993, Việt Phương về nghỉ hưu theo chính sách khi ông 65 tuổi, tuy nhiên ông vẫn được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định làm Ủy viên thường trực của Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng. Sau khi Tổ chuyên gia tư vấn này được mở rộng ra thành Ban Nghiên cứu đổi mới của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Việt Phương vẫn tiếp tục làm Ủy viên thường trực của Ban này cho đến khi Ban giải thể.

Ông qua đời lúc 8 giờ 50 ngày 6 tháng 5 năm 2017 tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, thọ 89 tuổi.[4]

Gia đình

nhà thơ Việt Phương kể rằng, trong hộ khẩu của ông có hai tên Trần Quang Huy nên dạo còn bao cấp mỗi lần đi mua gạo mua dầu… người ta vặn hỏi ông, ông nói vui rằng nhà tôi có Trần Quang Huy 3 lít dầu và Trần Quang Huy 1/5 lít dầu (người lớn được mua 3 lít, trẻ con 1/5 lít).[7]

Ông Việt Phương có vợ là bà Trần Tú Lan. Ông bà có hai người con trai là Trần Trung Thực sinh năm 1956 và Trần Quang Huy sinh năm 1960. Ông lấy tên khai sinh của mình đặt luôn tên cho con.[7] Bà Tú Lan sinh năm 1934 là giáo viên, nhiều người nổi tiếng từng là học sinh của bà như Dương Trung Quốc, Chu Hảo... Ông Trần Trung Thực là Vụ trưởng của Bộ Công Thương. Trước đó ông là tham tán công sứ ở Cộng đồng châu Âu tại Bỉ nhiều năm. Nhà thơ Việt Phương có ba cháu nội, trong đó cháu lớn của ông mang tên ông là Trần Việt Phương.[3]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Việt Phương http://antgct.cand.com.vn/Tro-chuyen-cuoi-thang/Nh... http://m.dantri.com.vn/van-hoa/nha-tho-viet-phuong... http://m.laodong.com.vn/van-hoa/nha-tho-viet-phuon... http://www.nhavantphcm.com.vn/chan-dung-phong-van/... http://hanoitv.vn/nha-tho-tran-viet-phuong-qua-doi... http://thanhnien.vn/van-hoa/nha-tho-viet-phuong-qu... http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20170506/mo... http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20170506/nh... http://m.vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/nha... https://www.bbc.com/vietnamese/amp/vietnam-3982915...